“Cãi nhau chỉ vì những thứ vụn vặt…” Đó là một điều không mới, cũng không có gì lạ đối với hầu hết các cặp vợ chồng. Quay sang câu chuyện vợ chồng tôi. Trước đây, có nhiều lúc chúng tôi cũng cãi nhau và cảm thấy khó chịu vì những chuyện vụn vặt. Không biết lão chồng thế nào, chứ bản thân tôi, tôi thừa nhận mình thuộc loại người khó buông bỏ những cảm xúc. Khi khó chịu, tôi sẵn sàng ôm cục tức cả ngày hôm đó, tới hôm sau và có thể ngày hôm sau nữa. Khi ôm cục khó chịu đó, tôi đánh mất sự tập trung vào hiện tại, vào việc đang làm. Hậu quả là một ngày của tôi có thể trở thành thảm họa với vô số những thứ khó chịu khác tòi ra hoặc giả như tôi hên, hôm đó không có chuyện gì thêm thì tôi cũng không làm thêm được việc gì trong danh sách dài công việc của mình. Tôi đánh mất nhiều thời gian sống quý giá, mà đáng lẽ ra tôi nên dành thời gian đó cho những việc cần làm để thay đổi cuộc đời tôi, làm cho cuộc sống của tôi đi lên và giúp ích cho mọi người.
Sau nhiều năm mắc kẹt trong cái vòng lặp luẩn quẩn đó, một ngày tôi nhận ra một sự thật khiến tôi ngỡ ngàng: Tôi đang là nô lệ của những cảm xúc, tôi đang bị cảm xúc điều khiển. Kiểu như cảm xúc là người biểu diễn múa rối, và con rối là tôi.
Vậy là từ ngày được sinh ra trên cõi đời này, tôi luôn là một con rối của cảm xúc. Cuộc đời đều để cho cảm xúc cầm lái? Còn tôi, tôi đã ở đâu? Tôi cảm thấy rất sốc với sự thật đó, cứ như để một ai khác sống thay cuộc đời tôi, còn tôi là thính giả để cho đạo diễn và biên kịch dàn dựng bộ phim cuộc đời mình. Ngay sau cú sốc đó, tôi ngồi lại và ngẫm nghĩ: Phải làm sao để có thể không bị điều khiển bởi cảm xúc nữa? Phải làm sao để lấy lại cuộc đời mình? Phải làm sao để trở thành người cầm lái? Nhưng từ việc nhận ra một sự thật và thay đổi nó, quả là điều không dễ và cần có thời gian. Hàng ngày, tôi bắt đầu với việc quan sát những cảm xúc được sinh ra trước một sự việc, một tình huống tôi gặp hàng ngày. Sau đó, vào buổi tối, tôi thường dành một khoảng thời gian để tổng kết lại một ngày của tôi, đặc biệt là cảm xúc của tôi khi đối mặt với tình huống. Sau một thời gian quan sát, khi cảm xúc nổi lên tôi đã biết nắm bắt chúng. Tôi cũng nghĩ ra một vài câu “thần chú” để hỗ trợ tôi trong quá trình buông bỏ những cảm xúc (“thần chú” mà tôi đề cập đó là những câu nói ngắn gọn, xúc tích, truyền cảm hứng và có tính chất thức tỉnh cao đối với tôi. Bạn cũng có thể tự sáng tạo ra câu thần chú của riêng mình). Ví dụ: “Thôi bây giờ dừng ở đây nhé, tí nữa lại khó chịu tiếp” “thôi nhé, kết thúc ở đây nhé!”, “Cuộc đời thật ngắn ngủi, tại sao lại phí thời gian sống thế này” và sau đó, tôi dễ bước ra khỏi khó chịu hơn và quay về việc cần làm. Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian suy ngẫm, và nhận ra thêm vài sự thật nữa để làm trợ thủ cho tôi khi vượt qua sự điều khiển của cảm xúc. Hãy tập trung vào toàn cục thay vì những việc nhỏ nhặt. Có khi nào bạn cảm thấy có chút khó chịu khi bị chen hàng? Hay là ai đó xô đẩy bạn trên xe bus? Với tôi, chỉ là chuyện nhỏ thế có thể làm tôi khó chịu cho tới tận lúc về nhà. Nhưng nếu lúc đó, tôi nghĩ rằng, thôi, chỉ là việc nhỏ, chen hàng thì mình chậm hơn vài phút thôi, cũng không nhiều, còn hơn mang cục khó chịu về làm mất cả ngày, đúng không nào? Những việc cần làm trong ngày rõ ràng là quan trọng hơn? Hay xô đẩy vì xe bus đông quá, thì đó cũng là điều không tránh khỏi khi đi phương tiện công cộng vào giờ cao điểm, mình cũng chỉ ở trên bus có 15-20ph? Tí nữa là về nhà rồi. Hãy nhớ rằng: Luôn có một lời động viên nào đó theo một góc nhìn tích cực hơn để giúp bạn vượt qua sự điều khiển của cảm xúc. Chỉ cần bạn tĩnh tâm lại và tìm nó thôi.
Ở trên tôi đang nói tới những cảm xúc tiêu cực, nhưng thực ra những cảm xúc vui sướng, tự hào, hoan hỉ… cũng có cùng một bản chất với cảm xúc tiêu cực. Chúng đều là “Cảm xúc”. Tôi còn nhớ như in những lần đạt được điều gì đó trong cuộc sống, như cầm trên tay chứng chỉ tiếng đức B1 hay hợp đồng công việc tôi mới nhận. Tôi có thể sung sướng cả ngày thậm chí cả tuần, cả tháng. Và bao nhiêu năng lượng thời gian đều dành cho việc nói về cái bằng tiếng đức B1 hay nói về hợp đồng mới. Rồi thậm chí còn ngồi một mình tự cảm thấy vui, rồi nghĩ cách đi khoe với bạn bè, người thân. Cảm xúc này cũng chính là đang điều khiển tôi. Vậy đối mặt với những cảm xúc loại này như thế nào? Nếu nghĩ rằng: đây chỉ là một việc trong đời, và khi tôi đang vui sướng tự tán dương bản thân thì tôi thực sự đang dừng lại, tôi đang đi thụt lùi. Điều cần làm bây giờ là hãy im lặng và tiếp tục làm việc. Khi nhận thức được như vậy thì vượt qua những cảm xúc không quá khó như ta tưởng.
Còn một điều nữa tôi muốn chia sẻ đó là nhận ra những cảm xúc và buông bỏ được cảm xúc để nắm lấy quyền được tự chủ là một việc làm cả đời chứ không phải là ngày một ngày hai. Vì những tình huống phát sinh trong cuộc sống rất đa dạng và với những mức độ tác động đến cảm xúc của ta cũng nhiều hay ít khác nhau. Nhưng cũng không vì thế mà ta nản lòng vì chỉ cần nhận biết được cảm xúc, tự huấn luyện mình cách vượt qua thì cuộc sống của ta đã được cải thiện rất nhiều rồi. Ta có thể tập trung hơn vào những điều quan trọng trong cuộc đời để tạo ra những thành quả tốt hơn.
Vài năm trở lại đây, việc nhận biết được cảm xúc trước một tình huống đối với tôi đã không còn quá khó như trước. Nhưng thành thật mà nói thì không phải lúc nào tôi cũng có thể suôn sẻ buông bỏ những cảm xúc đó, đặc biệt đối với cảm xúc trước một tình huống khác lạ hoặc cường độ của cảm xúc được sinh ra cực cao. Bây giờ, tôi muốn kể cho bạn về một khái niệm mà tôi gọi là “Chuyển hóa những suy nghĩ”. Như ta đã biết, những suy nghĩ là nguồn cơn của mọi thứ, khi thay đổi những suy nghĩ thì sau đó hành động, lời nói sẽ thay đổi theo. Thông thường, khi đứng trước một tình huống, thì suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong bạn là gì? Hãy quan sát và nắm bắt nó. Suy nghĩ đầu tiên thường xuất hiện đó thực chất chính là được tổng hợp lên từ “Bạn”, tức là bao gồm những kinh nghiệm, ký ức, trải nghiệm, kiến thức, định kiến, văn hóa… Nó được xuất ra một cách ngẫu nhiên và có thể là những lối mòn của suy nghĩ đã ăn sâu gốc rễ vào bên trong bạn. Sau khi nhận biết được suy nghĩ đầu tiên được sinh khởi, bạn thay đổi suy nghĩ này thành một suy nghĩ khác. Một ví dụ: Khi bạn đang đứng xếp hàng thì bị một người khác chen hàng, ngay lập tức cảm xúc khó chịu xuất hiện: “Người đâu mà vô duyên thế nhỉ, thật quá đáng” và theo sau là cảm giác khó chịu. Bạn có chuyển suy nghĩ thành: “Có lẽ người này vội quá nên quên hết mọi thứ, có thể việc họ cần hơn mình. Có thể người đó hành xử như vậy vì họ không nhận thấy mọi người đang xếp hàng, họ theo lối sống của họ, tuy không tốt nhưng mà mình thông cảm vì cảnh sống của họ như thế đó, mình nên thương họ nhiều hơn. Với lại chờ thêm mấy phút cũng được, mình cũng không vội”. Nếu thực tập một thời gian bạn sẽ thấy cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn và sẽ có thêm nhiều thời gian và năng lượng cho những thứ ưu tiên thực sự.
Tóm lại bạn có thể thực tập bằng ba gạch đầu dòng như sau:
- Nhận biết được cảm xúc được sinh ra trước một tình huống là gì?
- Nhận biết được suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trước tình huống đó là gì?
- Chuyển hóa những suy nghĩ đầu tiên (những suy nghĩ theo lối mòn) thành “suy nghĩ mới” (“Những suy nghĩ mới” là những suy nghĩ làm bạn cảm thấy an lòng hơn và có thể để cảm xúc này ở lại sau lưng).
Một chú ý nữa là nếu bạn không hoàn toàn buông bỏ được hết những cảm xúc thì bạn cũng đừng nản chí và thất vọng. Nhưng bạn chỉ cần bỏ chúng sang một bên để tiếp tục tập trung vào những việc chính trong một ngày của bạn, chỉ cần như vậy thôi cũng đủ để tạo ra sự khác biệt rồi.