Tôi ngước lên nhìn đồng hồ, đã 12:30. Ôi đã tới giờ nấu cơm rồi! Tôi uể oải đứng dậy. Quả thực, chức năng mới của trang web làm tôi bận bịu cả sáng nay như dính chặt vào ghế, quên cả nghe nhạc, thậm chí dù đã nghe tiếng bụng reo vang nhưng tôi cũng cố tình làm lơ. Cuối cùng thì bây giờ vẫn phải đứng dậy nấu cơm thôi. Dạo này tôi thường bật những bản nhạc yêu thích trong lúc nấu cơm. Được đắm chìm trong một bản nhạc hay ở trong căn bếp nhỏ ấm áp, nấu những món ăn ngon, cảm giác đó mới bình yên làm sao? Tôi thầm nghĩ: “Đây quả đúng là nơi bình yên mình có thể tìm về khi ngoài kia đầy gió bụi, ồn ào và bão táp”. Nhưng sao tôi lại thấy có gì đó sai sai ở đây nhỉ? À đúng rồi: “Bình yên thật đấy, cơ mà có những hôm cũng ở trong căn bếp nhỏ này, cũng bật những bản nhạc yêu thích và nấu những món ngon, tại sao lúc đó mình vẫn không thấy bình yên, chỉ thấy tâm mình đang nổi sóng?” Tôi chợt nghĩ có rất nhiều người ngoài kia không biết tìm thấy bình yên ở nơi đâu. Có người đi làm ở công ty, ở văn phòng, công việc nhiều mệt nhọc, công việc nhàm chán, áp lực công việc đè nặng, bị cấp trên la mắng hay đồng nghiệp kèn cựa. Hoặc một ai đó đang đi học, bị điểm thấp, bài giảng trên lớp vừa khó hiểu vừa chán,...Họ chỉ mong một ngày qua thật nhanh để trở về nhà, để được bình yên và thư giãn. Nhưng khi về tới nhà rồi, họ cũng không tìm thấy bình yên ở nơi đâu, tâm tư của họ vẫn bị xáo trộn, vẫn nặng nề. Nhiều người mong thật nhanh tới cuối tuần để có thời gian bên bạn bè, bên gia đình, hoặc đơn giản chỉ là nghỉ ngơi, nhưng có thể sóng gió vẫn nổi lên đó thôi! Điểm chính là ở chỗ nếu bạn nghĩ rằng phải tìm về một nơi nào đó, phải ở cạnh một người nào đó,... bạn mới có bình yên. Có chắc là như vậy không? Bình yên là chính ở ta thôi, chính trong tâm trí ta. Ta chỉ có thể tìm thấy bình yên ở bên trong.
Tìm bình yên ở bên trong như thế nào?
Mỗi người đều có những vấn đề riêng và vì vậy có tìm được bình yên ở bên trong hay không chính là phụ thuộc vào bản thân ta. Nhưng trước hết, ta phải có ý muốn đi kiếm tìm bình yên và sau đó là hành động. Hãy thành thật với chính bản thân mình dù đó có là điều sai, điều cùi bắp nhất, ngớ ngẩn nhất. Đừng ngại! Khi thành thật ta mới có thể nhìn thấy vấn đề dưới cái nhìn toàn diện nhất, nhìn thấy vấn đề một cách chân thật nhất. Bên cạnh đó, ta không ngừng quan sát các sự vật hiện tượng xung quanh với một cái nhìn khách quan, không phán xét, không thêm không bớt. Tức là hãy thu nhận nó như nó vốn dĩ diễn ra. Ta cũng không ngừng quan sát những cảm xúc, những suy nghĩ được sản sinh ra mỗi khi đứng trước một sự vật, sự việc hoặc tình huống. Khi ta đã: thành thật với bản thân, đã có thể quan sát một sự vật hiện tượng một cách khách quan và nhận biết được những cảm xúc và suy nghĩ được sinh khởi trong ta ở mọi lúc. Tự ta sẽ tìm được cách để tách mình ra khỏi ngoại cảnh, tách ra khỏi ồn ào. Và lúc đó, ta có thể chạm tới “Vùng đất tĩnh lặng”. “Vùng đất tĩnh lặng” chính là nơi bình yên của mỗi người. Nơi đó không còn ồn ào, cát bụi, hay bão táp.